Khái Niệm Kiết Sử

Admin

Kiết là kết (cột trói) giống như người ta xâu kết các hạt thành chuỗi tràng hạt; Sử là sai sử.

Kiết Sử là những món cột trói và sai sử, bắt con người (chúng sanh) làm nô lệ cho nó. Giống như con trâu, bị người ta cột cái dây vào lỗ mũi dắt đi, không tự chủ được. Kiết sử cũng có các tên khác như: Thập phiền não, thập hoặc, thập tùy miên...

Trong Phạt Đạo, Kiết Sử thường được chia làm hai phần, gồm năm độn sử và năm lợi sử.

1. Năm “độn sử” hay “Lỗi hành vi , (Lý Tứ)”

Là những món trói buộc căn bản, mỗ̃i chúng sanh đều có. Gọi là độn, vì năm món này làm cho người mê muội, chậm Giác Ngộ.

  • Tham: Ham muốn, đắm mê những thứ phiền não, hạ liệt của ba cõi (dục, sắc và vô sắc) không thể Giác Ngộ.
  • Sân: Sân hận, giận dữ, não hại mình, não hại người.
  • Si: Mờ tối, mê mờ, không thấy được ánh sáng Giác Ngộ.
  • Mạn(1): Thấy mình hơn hoặc thua người (tự tôn hoặc tự ti).
  • Nghi: Nghi ngờ (hoài nghi) có 3 món gồm:

          - Nghi mình: Nghi bản thân không thể Giác Ngộ;

          - Nghi người: Nghi bậc Đạo sư không thể dạy đạo Giác Ngộ;

          - Nghi pháp: Nghi Giáo Pháp ta đang tu tập không đưa đến Giác Ngộ.

2. Năm “lợi sử ” hay “Lỗi nhận thức, (Lý Tứ) ”.

Là những món cột buộc thuộc về nhận thức (sai lệch), nó chỉ có đối với hạng người lanh lợi. Vì thế năm lợi sử còn gọi là “ngũ kiến” hay “ác kiến”, tức các thấy biết đi ngược tinh thần Giác Ngộ.

  • Thân kiến: Chấp thủ những hiểu biết sai lầm về thân.
  • Biên kiến: Chấp chặt một bên, nắm giữ một định kiến.
  • Kiến thủ kiến: Nắm giữ các quan niệm, các thấy biết phi chân lý.
  • Giới cấm thủ kiến: Không hiểu rõ giới, chấp chặt. Hy vọng giới có thể thành tựu cứu cánh nào đó trong Phật Đạo.
  • Tà kiến: Hiểu biết sai lệch về Giáo Pháp, không như chân lý mà giúp mình cùng người Giác Ngộ.

Để giáo hoá Nhị Thừa thoát ra khỏi ba cõi, thành tựu đạo quả Giải Thoát, trong kinh tạng Nikaya, Phật liệt kê Kiết Sử gồm mười món như sau:

– Thân kiến (sakkàya-ditthi); – Hoài nghi (vicikicchà); – Giới cấm thủ (silabata-paràmàsa); – Tham đắm vào cõi dục (kàma-ràga); – Sân hận (vyàpàda);

– Tham đắm vào cõi sắc (rùpa-ràga); – Tham đắm vào cõi vô sắc (arùpa-ràga); – Mạn (màna); – Trạo cử vi tế (uddhacca); – Si vi tế (avijjà).

3. Với hai loại Kiết Sử nêu trên, để giúp Bồ Tát (Giác Ngộ) và Nhị Thừa (Giải Thoát), ta thấy có một vài khác biệt cơ bản. Vì thế, việc tu tập “đoạn kiết” cũng sai khác.

Đối với Bồ Tát Đạo, quá trình đoạn trừ Kiết Sử tự thân, là quá trình Giác Ngộ từ cạn đến sâu, bắt đầu từ Phát Tâm Bồ Đề gọi là Sơ Giác, đến Minh Tâm Bồ Đề mới có thể dứt hoàn toàn. Năm giai đoạn từ phát tâm đến viên mãn Bồ Đề của Bồ Tát gồm: Phát Tâm, Phục Tâm, Minh Tâm (ba giai đoạn này lần lượt Giác Ngộ để dứt phàm tình cho đến thấy được Bổn Tâm), Kiến ĐáoXuất Đáo Bồ Đề (hai giai đoạn này gồm học Trí Tuệ đến chứng Thật Trí).

Đối với Nhị Thừa, muốn ra khỏi Kiết Sử chứng đạo quả Giải Thoát, phải tuần tự vượt qua Tứ Thánh Quả. Tứ Thánh Quả gồm: Dự lưu (Sotàpanna, Tu-đà-hoàn), Nhất lai (Sakadàgàmi, Tư-đà-hàm), Bất lai (Anàgàmi, A-na-hàm), A-la-hán (Arahat, Ứng cúng). Nhị Thừa sau khi chứng đạo quả Giải Thoát, muốn thành tựu Phật Địa, phải Phát Tâm Bồ Tát, vào Đạo Đế để thành tựu Kiến Đáo Bồ Đề và Xuất Đáo Bồ Đề giống như một Bồ Tát.

 (06-2010)

-----------------------

Mạn: Là suy nghĩ hoặc lời nói quá cái mình đang có (quá: là hơn hoặc thua; nói cách khác… là lời nói, suy nghĩ không trung thực). Để hình thành kiết sử, trong Phật giáo có 7 loại mạn (thất chủng mạn; thất mạn chủng; hay thất chủng ngã mạn…) gồm: Mạn; Quá Mạn; Mạn quá Mạn; Tăng thượng Mạn; Ty liệt Mạn; Ngã Mạn và Tà Mạn).